Hoạt động sử dụng cho phần thu hoạch sau hoạt động, hoặc tổng kết cuối chương trình. Loại hoạt động này giúp người tham gia chia sẻ lại những gì đã diễn ra, cảm xúc, bài học, và những gì họ sẽ áp dụng được trong thực tế.
MỤC LỤC
Gameshow là một dạng hoạt động rất thú vị để dùng cho các phần tổng kết.
Mystery box game là 1 dạng gameshow như vậy.
✍️ TÓM TẮT HOẠT ĐỘNG:
Người tham gia sẽ chọn và trả lời 1 câu hỏi tổng kết chương trình, sau đó đưa ra quyết định là sẽ giữ hay gửi tặng hộp bí ẩn cho đội còn lại.
️🎯 MỤC ĐÍCH:
Hoạt động này giúp người tham gia chia sẻ để tổng kết chương trình.
🔖 CHỦ ĐỀ ĐÀO TẠO:
Mọi chủ đề.
👬 NGƯỜI THAM GIA:
Tối thiểu 4 người (2 nhóm)
⏰ THỜI GIAN: 60p
📂 DỤNG CỤ CẦN CHUẨN BỊ:
📣 HƯỚNG DẪN:
Giới thiệu nhanh mục đích của hoạt động
Chia thành 2 nhóm
Mỗi nhóm sẽ lần lượt cử thành viên trong nhóm để chọn 1 chữ cái trong bảng 26 chữ cái, trả lời câu hỏi đó, và đưa ra quyết định giữ hay gửi tặng hộp bí ẩn cho đội còn lại.
Hộp bí ẩn chứa điểm số ngẫu nhiên, điểm này có thể là dương hoặc âm, có thể là lớn hoặc nhỏ. Hoàn toàn ngẫu nhiên.
Sau đó lần lượt điều phối các nhóm để đi qua trò chơi này. Đến cuối cùng, tổng kết lại là chúc mừng đội chiến thắng.
🌱 CÁC BIẾN THỂ:
Bên cạnh việc chuẩn bị các câu hỏi sẵn, bạn cũng có thể đề nghị người tham gia cùng đưa ra các câu hỏi và sử dụng chính các câu hỏi đó cho hoạt động này. Điều này cho phép học viên có sự tham gia vào quá trình thiết kế hoạt động của lớp, và khiến họ hào hứng hơn.
Link xem video trong Group Game Đào Tạo: https://www.facebook.com/groups/gamedaotao/permalink/1579445732248242/
🎯 MỤC ĐÍCH: Rèn luyện kỹ năng lắng nghe, tưởng tượng, ứng biến và kết nối với người khác, kiểm soát sự lo lắng
👬 NGƯỜI THAM GIA: 5-12 người
⏰ THỜI GIAN: 15-20 phút (Bao gồm Reflection)
📂 CHUẨN BỊ:
Mọi người sẽ đứng theo vòng tròn và nắm chặt tay nhau
📣 HƯỚNG DẪN:
Cả nhóm sẽ thống nhất chọn 3 từ khóa của hôm nay, nên là những cụm từ có ý trái ngược nhau để thú vị hơn. Ví dụ: Yêu thương, giận dữ, hài hước…
Sau đó, bắt đầu từ người số 1 (chọn ngẫu nhiên), người số 1 sẽ nói 1 câu để bắt đầu một câu chuyện, người tiếp theo sẽ nói 1 câu để tiếp nối mạch câu chuyện đó. Xen kẽ trong câu chuyện thì người chơi sẽ bất ngờ nói tới từ khóa. Khi nghe tới từ khóa đó, cả nhóm phải ngay lập tức thể hiện ý nghĩa của từ khóa đó ra bằng hành động, biểu cảm, khuôn mặt, âm thanh…
Sau khi thể hiện xong, mọi người lại tiếp tục thực hiện câu chuyện đang kể
Quy trình sẽ kết thúc cho đến khi câu chuyện được kể hết vòng tròn và từ khóa được nhắc tới hết
Ví dụ:
Từ khóa cả nhóm chọn là ánh sáng, âm u và phấn chấn
Câu chuyện bắt đầu từ người số 1: Đó là một buổi sáng mùa đông giá lạnh. Người số 2: An và Mai nắm tay nhau đi học, trong lòng cảm thấy bồn chồn. Người số 3: Hai bạn quyết định không ăn sáng vì quá lo lắng cho kỳ thi. Người số 4: Sau 15 phút 2 bạn đã đến lớp. Người thứ 5: Lớp học nay có vẻ thiếu ánh sáng vì trời quá nhiều mây….Nói tới chỗ ánh sáng thì tất cả mọi người sẽ buông tay và làm động tác diễn tả ánh sáng. Sau đó tiếp tục tới bạn bên cạnh nói tiếp câu của mình
Trong phần kể chuyện của mọi người, đôi khi mọi người sẽ giật mình vì có nhiều từ hơi giống với từ khóa nên sẽ nhấp nhỏm, nên sẽ tạo được sự vui vẻ khi chơi
📝 THU HOẠCH:
Người chơi cảm thấy như thế nào khi chờ đợi đến lượt của mình và khi nghe vài từ có vẻ giống từ khóa trong khi chơi?
Người chơi đã làm gì để tiếp nối câu chuyện khi tới lượt mình? Điều gì khiến cho câu chuyện trở nên thú vị, chặt chẽ?
Để có thể phản ứng nhanh với câu chuyện, người chơi cần những yếu tố nào?
Có những điều gì mà người chơi phát hiện được ở bản thân và nhóm của mình sau khi trải qua hoạt động này?
Link trong Group Game Đào Tạo: https://www.facebook.com/groups/gamedaotao/permalink/1449119485280868/
⏰ THỜI GIAN: 15 - 30 phút
👬 NGƯỜI THAM GIA: Tùy chỉnh
📂 CHUẨN BỊ:
Giấy trắng cho mỗi người
Các mô tả cảm xúc: hào hứng, lo lắng, phấn khích, thoải mái, bồn chồn,.....
📣 HƯỚNG DẪN:
Người điều phối chiếu hoặc vẽ lên flipchart các từ mô tả cảm xúc, số lượng nhiều hay ít tuỳ vào số lượng học viên bạn có. Khuyến khích là từ 5-10 cảm xúc.
Giúp mọi người làm rõ các từ mô tả cảm xúc trên bảng
Đề nghị mọi người, một cách riêng tư, hãy tự chọn cho mình 3 mô tả đúng với cảm xúc hiện tại của mình. Cho phép 3 phút để mọi người làm việc này và đề nghị họ viết nó ra giấy
Sau khi kết thúc 3 phút, thu thập lại giấy từ mọi người (trong đó có ghi 3 từ họ đã chọn theo thứ tự)
Người hướng dẫn làm một cuộc dự đoán nhỏ. Đề nghị mọi người đưa ra dự đoán xem đâu là 3 từ mô tả cảm xúc được lựa chọn nhiều nhất từ mọi người. Note lại các từ này.
Cuối cùng, xem xét từng mẩu giấy và tìm ra 3 từ khoá cảm xúc được mọi người lựa chọn nhiều nhất. Đây cũng chính là 3 cảm xúc mà đa số mọi người đang có trong căn phòng
📝 THU HOẠCH:
Bạn có thấy ngạc nhiên bởi 3 từ khoá?
Đi sâu hơn một chút về từ đâu mà có những cảm xúc này.
Nếu đó là những cảm xúc không phù hợp với khoá học, hãy thẳng thắn cùng học viên xem xét lý do và cùng đưa ra các giải pháp để thay đổi.
Nếu là những cảm xúc tích cực, làm sao để duy trì, củng cố nó.
Hoạt động này có thể dẫn đến việc thiết lập các nguyên tắc trong lớp học.
Link trong Group Game Đào Tạo: https://www.facebook.com/groups/gamedaotao/permalink/1376086319250852/
✍️ TÓM TẮT HOẠT ĐỘNG:
Một hoặc nhiều người cùng vẽ lại những chia sẻ, thu hoạch của mọi người và tổng kết lại theo cách hiểu của mình.
🎯 MỤC ĐÍCH:
Giúp người tham gia đúc kết, thu hoạch bài học theo nhiều góc nhìn khác nhau nhờ hình vẽ, từ đó nhận ra thêm nhiều bài học mới.
🔖 CHỦ ĐỀ ĐÀO TẠO:
Bất cứ chủ đề nào cần thu hoạch, đúc kết bài học của cá nhân từng người tham gia; phù hợp với những chủ đề có nhiều góc nhìn, quan điểm (ví dụ: làm việc nhóm, lãnh đạo, giao tiếp, EQ, thấu cảm…)
👬 NGƯỜI THAM GIA:
Những người có khả năng chiêm nghiệm, đúc kết bài học của riêng mình.
⏰ THỜI GIAN:
45 phút cho phần vẽ và chia sẻ.
📂 CHUẨN BỊ:
Giấy A1 và bút màu.
📣 HƯỚNG DẪN:
Thực hiện hoạt động chính: Người điều phối thực hiện các hoạt động đào tạo chính như đã lên kế hoạch.
Giới thiệu nhiệm vụ cho phần thu hoạch: Khi thu hoạch cho phần hoạt động chính, người điều phối yêu cầu 2 hoặc 3 người tham gia tình nguyện làm “người thu hoạch”. Nếu chương trình có nhiều hoạt động và nhiều phần thu hoạch, mọi người có thể thay phiên nhau nhận vai trò này để mọi người cùng có cơ hội làm thử.
Giới thiệu vai trò của người thu hoạch: Người thu hoạch sẽ vẽ cùng nhau trên 1 tờ giấy, sau đó lắng nghe tất cả những chia sẻ của người tham gia trong phần thu hoạch (bao gồm cả chia sẻ của bản thân), và vẽ lại những chia sẻ đó thành hình ảnh mà không được dùng chữ viết. Những người thu hoạch có thể thay phiên nhau vẽ nếu người chia sẻ nói quá nhanh. Người thu hoạch cũng có thể hỏi để làm rõ thêm chia sẻ của người khác.
Thực hiện phần thu hoạch như đã lên kế hoạch
Chia sẻ lại hình ảnh của mình: Mỗi người thu hoạch sau phần chia sẻ trên, sẽ dành ra 5 tới 10 phút để giải thích lại các hình vẽ của mình cho cả nhóm nghe.
Tiếp tục đúc kết lần cuối: Sau khi nghe những người thu hoạch chia sẻ, mọi người lần lượt chia sẻ một đúc kết quan trọng nhất mà mình rút ra được trong toàn bộ phần chia sẻ.
Treo bức tranh cuối cùng lên thành sản phẩm thu hoạch
📝 THU HOẠCH:
Bản thân hoạt động này là một phần thu hoạch lớn.
Có thể thu hoạch riêng cho phần vẽ và nhìn lại này bằng câu hỏi tổng hợp: Bạn nhận ra thêm các bài học nào mới trong quá trình vẽ? Trong quá trình nghe chia sẻ lại? Các bài học này liên quan tới nhau thế nào? Nếu tổng hợp các bài học này bằng các từ khóa, bạn chọn từ khóa nào?
Nên khuyến khích người chia sẻ nói rõ ràng, chậm rãi, để người thu hoạch có đủ thời gian vẽ.
📥 BÀI HỌC CÓ THỂ RÚT RA:
Hoạt động này hiệu quả vì (1) người tham gia được nhìn lại bài học của mình 2 lần hoặc nhiều hơn, nên có cái nhìn sâu sắc hơn, (2) bài học được tổng hợp thành một hình vẽ nên dễ dàng tổng hợp thành các điểm chung, (3) quá trình vẽ hình yêu cầu người vẽ phải hiểu các chia sẻ của người khác, nên tự nhiên người chia sẻ sẽ phải nói rõ ràng, dễ hiểu, và người vẽ phải hỏi lại nếu chưa hiểu, (4) chuyển vai trò đúc kết bài học cuối cùng cho người vẽ và người chia sẻ.
Hình vẽ cuối cùng giống như một “neo hình ảnh” để người tham gia nhớ tới buổi học và các bài học.
❗ CÁC LƯU Ý KHI THỰC HIỆN:
Nếu được, hãy chọn những người thích vẽ hoặc có khả năng vẽ cho những vòng thu hoạch đầu tiên. Nếu không có ai có khả năng này thì làm chậm lại và cho phép họ dùng điện thoại tìm các icon, hình ảnh trên mạng để làm mẫu.
Cho phép người vẽ hợp tác và chia đều nhiệm vụ cho nhau, thay vì tất cả cùng vẽ đồng thời toàn bộ các bài học.
“Không cần vẽ đẹp, chỉ cần vẽ dễ nhìn”. Và yêu cầu người vẽ phải vẽ hình lớn, sao cho bức tranh cuối cùng chiếm trọn toàn bộ tờ giấ
🌱 BIẾN THỂ:
Nếu không có giấy và bút màu, có thể yêu cầu người vẽ sử dụng Google Slides hoặc công cụ tương tác online nào khác, và tìm hình ảnh gắn lên thay vì vẽ.
Nếu không có giấy, bút, và cả máy tính, điện thoại, có thể yêu cầu mọi người lấy toàn bộ các đồ vật trong phòng và người thu hoạch chọn các đồ vật tương ứng vài bài học.
Thay vì có một vài người vẽ bài học, người tham gia có thể được sắp xếp để mỗi người quan sát một người khác, và vẽ lại bài học của người đó trong quá trình người đó chia sẻ, sau đó chia sẻ lại.
Thay vì vẽ hình ảnh, người tham gia có thể được yêu cầu vẽ mindmap.
Link trong Group Game Đào Tạo: https://www.facebook.com/groups/gamedaotao/permalink/1595427947316687
✍️ TÓM TẮT HOẠT ĐỘNG:
Mỗi người nhận một tờ giấy có ghi một câu hỏi, bắt cặp với người khác để phỏng vấn người đó bằng câu hỏi của mình, đồng thời trả lời câu hỏi của người đó, sau đó tráo đổi câu hỏi và tiếp tục bắt cặp thêm 4 lần nữa. Cuối cùng những ai có cùng câu hỏi tập hợp lại và đúc kết câu trả lời.
🎯 MỤC ĐÍCH:
Khảo sát người tham gia về những chủ đề chuẩn bị trước, có thể dùng để mở đầu, thu hoạch, tổng kết.
🔖 CHỦ ĐỀ ĐÀO TẠO:
Bất cứ chủ đề nào cần khảo sát, chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm từ người tham gia
👬 NGƯỜI THAM GIA:
Tất cả mọi người biết nói và viết
⏰ THỜI GIAN:
30 phút
📂 CHUẨN BỊ:
Các tờ giấy nhỏ (A5) có in sẵn các câu hỏi để khảo sát, khai thác ý kiến từ người tham gia
Chuẩn bị tổng cộng từ 4 tới 6 câu hỏi, và mỗi câu hỏi chuẩn bị số tờ giấy sao cho mỗi người nhận được 1 tờ giấy có 1 trong các câu hỏi đó.
Ví dụ cho các câu hỏi để mở đầu: Bạn có kinh nghiệm gì về chủ đề đào tạo? Bạn đang gặp khó khăn gì trong chủ đề đào tạo? Bạn có mong đợi gì trong chương trình này? Bạn muốn làm được điều gì sau khi hoàn thành chương trình? Bạn muốn lớp học này diễn ra như thế nào để bạn học tốt nhất?
Ví dụ cho các câu hỏi để tổng kết: Bài học quan trọng nhất bạn học được là gì? Bạn thấy chương trình cần điều chỉnh thế nào để tốt hơn? Bạn thích phần nào nhất của chương trình? Bạn sẽ ứng dụng điều gì ngay trong công việc?
📣 HƯỚNG DẪN:
Giới thiệu hoạt động: Người tham gia sẽ phỏng vấn người khác để khai thác câu trả lời cho câu hỏi mà mình đang cầm trên tay, và viết câu trả lời vào khoảng trống trong tờ giấy, sau đó tráo đổi câu hỏi và tiếp tục khai thác. Cuối cùng những ai có cùng câu hỏi ở vòng cuối cùng sẽ tập hợp lại để cùng tổng hợp kết quả.
Gửi mỗi người một tờ giấy, mỗi tờ giấy có một câu hỏi đã được in sẵn. Tổng số tờ giấy bằng tổng số người tham gia. Và tổng số câu hỏi từ 4 tới 6 câu.
Vòng 1: Yêu cầu người tham gia bắt cặp với một người khác có câu hỏi khác câu mình đang có, phỏng vấn người kia bằng câu hỏi của mình, và viết câu trả lời vào tờ giấy của mình. Người kia cũng làm tương tự. Nếu có số lẻ người thì cho phép 1 nhóm có 3 người, với 3 câu hỏi khác nhau.
Tráo đổi câu hỏi: Sau khi 2 người trả lời và viết vào tờ giấy của mình, thì 2 người tráo đổi tờ câu hỏi cho nhau.
Vòng 2: Tiếp tục như vòng 1 với một người khác, và lần này với một câu hỏi khác do đã tráo đổi.
Tiếp tục như vậy thêm 3 vòng nữa. Có thể gặp lại câu hỏi cũ.
Cuối cùng, những ai có các câu hỏi giống nhau trên tay mình lập nhóm với nhau và tổng kết các ý chính trong các câu trả lời.
Chia sẻ lại cho nhóm lớn.
📝 THU HOẠCH:
Bản thân đây là một hoạt động có thể dùng cho phần thu hoạch của một chương trình hoặc hoạt động đào tạo.
Các nhóm có thể tổng hợp câu trả lời vào các tờ giấy A1, dán xung quanh phòng, và mọi người lần lượt đọc hết các kết quả đó. Mỗi người có thể tiếp tục chọn ra một ý mình muốn làm rõ hơn, hoặc đào sâu hơn, và hỏi cả lớp xem ai viết ra ý đó và nhờ người đó giải thích.
📥 BÀI HỌC CÓ THỂ RÚT RA:
Bản thân đây là một hoạt động có thể dùng cho thu hoạch nên bên trong nó không có bài học, mà nó được sử dụng để rút ra bài học cho buổi học hoặc các hoạt động khác.
❗ CÁC LƯU Ý KHI THỰC HIỆN:
Giới hạn thời gian cho mỗi vòng (từ 3 tới 5 phút) và dùng hiệu lệnh để đổi vòng (ví dụ: còi) sẽ giúp người tham gia tích cực chuyển vòng hơn.
Các câu hỏi nên dễ hiểu, ngắn gọn, để người tham gia không phải hỏi lại khi đọc câu hỏi.
Tùy vào thời gian cho phép, số lượng câu hỏi có thể giới hạn từ 4 tới 6 câu. Không nên nhiều hơn 6 câu, vì phần tổng kết sẽ lê thê.
Số lượng tối thiểu để thực hiện hiệu quả là 6 người cho 3 câu hỏi, xoay 3 vòng, làm sao để mỗi người có thể được trả lời cả 3 câu.
🌱 BIẾN THỂ:
Nếu chưa chuẩn bị phần in câu hỏi, có thể viết các câu hỏi lên bảng và chia đều cho mọi người, yêu cầu mọi người tự viết. Hoặc cho phép mọi người tự chọn một câu hỏi mình muốn tìm hiểu nhất, và viết vào tờ giấy của mình.
Nếu chưa chuẩn bị cả câu hỏi, thì có thể yêu cầu người tham gia gợi ý khoảng 10 câu hỏi, sau đó bình chọn xem câu nào phù hợp nhất, và dùng các câu đó để khảo sát.
Link trong Group Game Đào Tạo: https://www.facebook.com/groups/gamedaotao/permalink/1604223393103809
(biến thể từ hoạt động của Thiagi, http://thiagi.net/archive/www/games.html)
✍️ TÓM TẮT HOẠT ĐỘNG:
Người tham gia cùng đặt ra các câu hỏi để kiểm tra độ nắm vững kiến thức của nhau, và cùng tham gia một trò chơi để thi đua xem đội nào nắm bài tốt hơn.
🎯 MỤC ĐÍCH:
Giúp người tham gia nhớ lại những kiến thức đã học trong buổi học và kiểm tra xem mình và bạn học có nắm vững kiến thức hay không.
🔖 CHỦ ĐỀ ĐÀO TẠO:
Tất cả mọi chủ đề đào tạo.
👬 NGƯỜI THAM GIA:
Tất cả mọi người tham gia có khả năng đọc, viết.
⏰ THỜI GIAN:
90 phút
📂 CHUẨN BỊ:
Giấy và bút.
📣 HƯỚNG DẪN:
Giới thiệu hoạt động, người tham gia sẽ cùng “kiểm tra bài” xem mình hiểu và nắm vững kiến thức tới mức nào.
Chia 2 nhóm, mỗi nhóm từ 4 tới 7 người, tạm gọi là đội A với các thành viên A1, A2, A3… và đội B với các thành viên B1, B2, B3...
Soạn thảo câu hỏi: mỗi nhóm thảo luận và đặt ra các câu hỏi để kiểm tra độ hiểu và nắm vững kiến thức của bạn học, đồng thời viết ra câu trả lời đúng cho các câu hỏi đó.
Điều kiện cho câu hỏi:
Tập trung vào những bài học quan trọng đã được nhắc tới trong suốt chương trình
Tránh những câu hỏi mẹo, gài, mập mờ, hoặc quá hiển nhiên.
Cố gắng kích thích tư duy ở tầng hiểu trở lên.
Dùng câu hỏi mở, cần câu trả lời ngắn gọn. Tránh câu hỏi đúng/sai hoặc trắc nghiệm.
Viết ra cả câu trả lời đúng sau khi thiết kế câu hỏi. Nếu câu hỏi có nhiều câu trả lời đúng thì viết hết tất cả các câu trả lời được chấp nhận.
Thiết kế càng nhiều câu hỏi càng tốt, để nhóm có thêm nhiều lựa chọn khi vào chơi chính thức.
Nhóm vẫn có thể thiết kế thêm câu hỏi trong quá trình chơi, nhưng không được thảo luận, trao đổi.
Luật chơi:
Bốc thăm ngẫu nhiên xem nhóm nào được hỏi trước, nhóm đó cử 1 người để hỏi, người đó chọn 1 người trong nhóm còn lại để trả lời (ví dụ: A1 hỏi, chọn B1 trả lời).
Tình huống 1: Nếu B1 trả lời đúng, thì A1 bị loại; và B1 tiếp tục chọn thành viên của nhóm A để hỏi câu của mình
Tình huống 2: Nếu B1 trả lời sai, thì B1 bị loại; và A1 tiếp tục chọn thành viên của nhóm B để tiếp tục hỏi câu tiếp theo của mình
Các thành viên không được trao đổi với nhau trong quá trình chọn câu hỏi hoặc trả lời
Mỗi thành viên loại được ít nhất 1 người trong 1 lượt chơi của mình thì có quyền hồi sinh 1 thành viên của nhóm mình đã bị loại
Trò chơi kết thúc khi:
Có 1 nhóm bị loại hết thành viên, và nhóm còn lại thắng cuộc
Hết giờ, và nhóm nào còn nhiều thành viên sống sót là nhóm thắng cuộc
Có 1 nhóm hết câu hỏi, và nhóm còn lại thắng cuộc
Người điều phối sẽ đóng vai giám khảo để kiểm định câu trả lời của các nhóm.
📝 THU HOẠCH:
Đây là hoạt động để tổng kết, nên không cần thu hoạch.
📥 BÀI HỌC CÓ THỂ RÚT RA:
Đây là hoạt động để tổng kết, nên không cần rút ra bài học từ bản thân hoạt động.
❗ CÁC LƯU Ý KHI THỰC HIỆN:
Nếu có tranh cãi về câu trả lời đúng/sai, người điều phối sẽ đóng vai giám khảo.
Nên giới hạn thời gian trả lời cho từng câu, tránh lan man, đi vào tiểu tiết.
🌱 BIẾN THỂ:
Nếu có quá nhiều người tham gia, thì chia thành 4 đội, cho thi đấu theo cặp để tìm ra 2 đội thắng cuộc, và tiếp tục thi vòng sau để tìm ra đội vô địch.
Nếu có quá ít người tham gia, thì cho phép mỗi người có “mạng”, bị thua 2 lần mới bị loại.
Link trong Group Game Đào Tạo: https://www.facebook.com/groups/gamedaotao/permalink/1614229418769873